17/10/2017

Gìn giữ để thể thủy tinh không bị đục

SKĐS - Đục thủy tinh thể - dân gian thường gọi là bệnh cườm khô (cườm lão).

Thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2004 cho thấy, đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở nước ta trong hơn 30 năm qua, chiếm 71,3% tổng số người mù. Tuy nhiên đây là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được.

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt nằm ở phía bên trong mắt, 2 mặt lồi, trong suốt, trung bình ở người trưởng thành dày 4mm và rộng 9mm. Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính

hội tụ, điều tiết để tập trung các tia sáng đi vào võng mạc tạo hình ảnh sắc nét rõ ràng, như thấu kính của máy ảnh tập trung hình ảnh vào phim.

Các yếu tố nguy cơ

Đục thủy tinh thể là bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi. Bệnh diễn tiến từ từ, biểu hiện ban đầu là giảm độ kính lão do xuất hiện cận thị chiết xuất; khi ra ánh sáng, mắt sẽ khó chịu nhưng không bị đau nhức. Sau đó, bệnh nặng hơn, mắt như nhìn qua một lớp kính mờ, thấy một điểm đen cố định trên nền mắt sáng; dần dần bệnh nhân không còn nhìn thấy gì.

                                                                   Các loại đục thủy tinh thể.

Ở người trẻ tuổi, bệnh đục thủy tinh thể có thể đã hiện diện do bẩm sinh hoặc do chấn thương hoặc đục thủy tinh thể thứ phát sau bệnh viêm màng bồ đào, glôcôm. Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh như tiếp xúc dưới tia cực tím kéo dài, hút thuốc lá, sử dụng các loại thuốc steroid trong thời gian dài và mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, lịch sử gia đình đục thủy tinh thể.

Dấu hiệu nhận biết sớm

Thị lực giảm: Thị lực giảm tỉ lệ thuận với mức độ đục thể thủy tinh. Trẻ nhỏ thường quờ quạng, nếu lớn hơn có thể đo thị lực để xác định mức độ mờ mắt.

Lóa mắt: Đục thể thủy tinh bắt đầu thường gây lóa mắt với ánh sáng, nhìn mờ hơn nơi râm mát và ban đêm, gây khó chịu cho người bệnh. Sự khó chịu này đặc biệt xảy ra ở hình thái đục thể thủy tinh dưới bao sau.

Giả cận thị: Mắt bị đục thể thuỷ tinh ban đầu có xu hướng cận thị hoá, do vậy khả năng nhìn gần của mắt tốt lên.

Lác mắt: Một số trường hợp do đục thể thuỷ tinh, mắt đó bị nhược thị và lác.

Thường xuyên thay đổi kính đeo mắt: Do thủy tinh thể đục làm thay đổi chiết xuất.

Nhìn đôi, nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc, nhìn như qua sương mù... tất cả những khó chịu đó được giải thích là do thể thuỷ tinh bị đục đã làm tán xạ các tia sáng đi qua nó.

Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể, cách nào?

Bệnh đục thủy tinh thể được điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả và đủ điều kiện để mổ. Điều quan trọng là phải biết phòng ngừa đục thủy tinh thể từ những nguyên nhân gây bệnh đã xác định được.

Khám mắt thường xuyên. Khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất.

Điều trị và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Thực hiện đúng chế độ ăn kiêng nếu bị đái tháo đường, kiểm soát tốt đường huyết. Điều trị sớm các bệnh tại mắt như glôcôm, viêm màng bồ đào.

Chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn giàu chất chống ôxy hóa và chức năng gan tốt sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh. Người bị đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu vitamin C, đồng, mangan, kẽm. Beta-carotene giúp “dọn dẹp” tốt các gốc tự do - một tác nhân gây tổn hại mắt, bảo vệ mắt không bị những tổn thương liên quan đến ánh sáng. Còn taurin là một acid amin chính trong thủy tinh thể, có khả năng làm chậm sự khởi phát của bệnh. Không ăn tảo, thực vật biển, sò ốc, sản phẩm từ sữa ít béo, chocolate, vì đây là những nguồn chứa vanadium vốn độc hại cho mắt.

Hạn chế các yếu tố nguy cơ khác: Ánh sáng tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể. Đeo kính râm chặn tia cực tím khi đang ở ngoài trời. Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.

BS. Hoàng Minh